Trường phái phân tích cơ bản không có quá nhiều công cụ được sử dụng như phân tích kỹ thuật nhưng việc áp dụng mỗi công cụ để phân tích lại rất khó, đòi hỏi người phân tích phải có nhiều kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính vi mô, vĩ mô, nên các phương pháp phân tích cơ bản có vẻ như khó nhằn hơn đối với những nhà đầu tư, những trader mới. Trong bài viết này, Phố Đầu Tư sẽ hướng dẫn phân tích cơ bản trong Forex đến các bạn.
Phân tích cơ bản là gì? Cơ sở lý thuyết của phân tích cơ bản.
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) trong thị trường tài chính nói chung là một kỹ thuật hay phương pháp xác định giá trị nội tại của tài sản tài chính thông qua việc đánh giá tác động của các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đến giá cả của tài sản đó như các yếu tố xã hội, kinh tế, tài chính vi mô, vĩ mô… từ đó dự báo xu hướng biến động của giá cả trong tương lai.
Mục đích cuối cùng của phân tích cơ bản chính là đưa đến kết luận rằng tài sản đang bị định giá cao hơn hay thấp hơn so với giá trị nội tại (giá trị thực) của nó. Nếu bị định giá cao hơn, trong tương lai, thị trường sẽ điều chỉnh giảm, ngược lại, nếu bị định giá thấp hơn, thị trường sẽ điều chỉnh tăng, sao cho tài sản quay về phản ánh đúng giá trị nội tại của nó.
Cơ sở lý thuyết của phân tích cơ bản
Trường phái phân tích kỹ thuật dựa vào kết quả biến động của giá ở quá khứ và hiện tại để dự báo về xu hướng giá trong tương lai, thông qua 3 nguyên lý chính, bao gồm: giá cả phản ảnh tất cả mọi thứ, giá cả di chuyển theo xu hướng và lịch sử có xu hướng lặp lại. Ý nghĩa của cả 3 nguyên lý này chính là cho rằng biểu hiện của giá thông qua các chuyển động trên biểu đồ đã cho thấy tác động của tất cả các yếu tố khác đến giá mà chúng ta không cần phải đi phân tích từng yếu tố riêng lẻ. Và đối tượng mà phân tích kỹ thuật quan tâm là giá thị trường của tài sản.
Còn với phân tích cơ bản, nguyên lý của nó hoàn toàn trái ngược, phân tích cơ bản tập trung đi tìm nguyên nhân dẫn đến những chuyển động bất thường của giá vì những nhà phân tích cơ bản cho rằng giá không bao giờ thay đổi mà không có nguyên nhân và có thể dự đoán được tác động của các yếu tố khác nhau đến giá cả.
Thứ hai, trường phái phân tích cơ bản tập trung vào đối tượng là giá trị nội tại của tài sản và mối quan hệ giữa giá trị này với các yếu tố tài chính là có thể đo lường được. Quan điểm của họ là dù tài sản đang bị định giá cao hay thấp thì đến một lúc nào đó, nó lại sẽ quay về với giá trị thực của mình. Dựa vào nguyên lý này, các nhà phân tích đi tìm giá trị nội tại của tài sản, rồi so sánh với giá thị trường để xác định các cơ hội đầu tư.
Sự khác nhau giữa phân tích cơ bản chứng khoán và phân tích cơ bản forex.
Phân tích cơ bản trong chứng khoán và forex có điểm giống nhau về mục đích, phương pháp nhưng khác nhau về đối tượng và công cụ được sử dụng.
Mục đích: ở cả 2 thị trường này, phân tích cơ bản đều hướng đến mục đích cuối cùng là tìm ra giá trị nội tại của tài sản tài chính, từ đó xác định cơ hội đầu tư/giao dịch nếu nhận thấy sự chênh lệch lớn giữa giá trị nội tại và giá thị trường của tài sản.
Phương pháp: dù là thị trường nào hay tài sản tài chính nào thì phương pháp phân tích cơ bản cũng là nhận diện các yếu tố kinh tế, tài chính, xã hội vi mô, vĩ mô… có tác động đến giá cả đo lường mức độ và chiều hướng tác động dự báo chiều hướng biến động của giá dưới các tác động đó.
Đối tượng phân tích: đối với thị trường chứng khoán, đối tượng phân tích chính là cổ phiếu. Còn trong forex, đối tượng phân tích rộng hơn, đa dạng hơn, bao gồm các cặp tỷ giá, vàng, chỉ số, cổ phiếu, tiền điện tử…
Công cụ phân tích: phân tích cơ bản chứng khoán sử dụng các công cụ mang tính chất vi mô, liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp như vị thế cạnh tranh, chính sách giá cả, chất lượng quản lý, sản xuất, mục tiêu sứ mệnh, khả năng lợi nhuận…. nhà đầu tư thường dựa vào các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các tài liệu khác liên quan đến doanh nghiệp, đến ngành nghề để đánh giá các yếu tố này. Phân tích cơ bản trong forex thì hướng đến các yếu tố vĩ mô hơn, tác động trực tiếp đến tiền tệ của các quốc gia như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, GDP, … các yếu tố chính trị, xã hội…. nhà giao dịch sẽ sử dụng các báo cáo kinh tế, các văn bản công bố chính sách kinh tế, phát biểu của các nhà lãnh đạo, quyết định của ngân hàng trung ương… để theo dõi và đánh giá các yếu tố này.
Phương pháp phân tích cơ bản trong giao dịch forex
Danh mục sản phẩm giao dịch trên thị trường forex rất đa dạng nhưng đa số các trader sẽ quan tâm nhiều hơn đến các cặp tỷ giá, đặc biệt là các cặp tỷ giá chính, có chứa đồng đô la Mỹ. Phân tích cơ bản trên các cặp tiền này là các bạn sẽ xác định các yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ giá của chúng, mức độ và chiều hướng tác động ra sao. Vì đồng đô la Mỹ là đồng tiền chính và USD cũng là tiền tệ mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến tất cả các đồng tiền của các quốc gia khác nên phân tích cơ bản các cặp tiền trong forex, trader thường sẽ tập trung phân tích các yếu tố tác động đến đồng đô la Mỹ.
Đối với những loại sản phẩm khác sẽ có những yếu tố tác động đặc trưng khác: ví dụ như kim loại hay năng lượng sẽ chịu tác động của các chính sách khai thác khoáng sản, tài nguyên, tính hình nguồn tài nguyên của mỗi quốc gia, thiên tai … trong đó, giá cả đô la Mỹ cũng là một trong những yếu tố tác động quan trọng.
Các yếu tố tác động đến tỷ giá trong forex
Có 3 yếu tố chính tác động đến giá trị tiền tệ của một quốc gia, bao gồm:
- Các yếu tố kinh tế
- Các yếu tố chính trị – xã hội
- Các sự kiện bất ngờ
Trong đó, tác động của các sự kiện bất ngờ đến giá cả tiền tệ là khó lường trước và dự đoán nhất.
Các yếu tố kinh tế
Bao gồm: lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp…. tất cả những chỉ số này đều phản ánh được sức khỏe của một nền kinh tế mà tiền tệ của một quốc gia có giá trị hay không lại phụ thuộc vào nền kinh tế đó có mạnh hay không. Một nền kinh tế có sức khỏe tốt, các chỉ số đều tích cực thì giá trị đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ tăng cao, ngược lại, một nền kinh tế có sức khỏe yếu, các chỉ số kinh tế đều cho thấy sự yếu kém, tiêu cực thì đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ bị giảm giá trị.
Vậy, các chỉ số kinh tế tác động như thế nào đến tiền tệ của các quốc gia?
Lãi suất
Lãi suất thường có mối quan hệ cùng chiều với giá cả của tiền tệ. Có rất nhiều khái niệm lãi suất mà các bạn sẽ bắt gặp như lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu kho bạc… vậy thì, loại lãi suất mà các bạn nên quan tâm khi phân tích cơ bản chính là lãi suất chiết khấu (discount rate).
Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng trung ương (NHTW) cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay, các NHTM sẽ lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh và ấn định mức lãi suất cho vay đối với các cá nhân, tổ chức khác. Lãi suất chiết khấu tăng buộc các ngân hàng phải gia tăng tỷ lệ tiền dự trữ, dẫn đến số tiền cho vay sẽ giảm đi, lãi suất cho vay tăng lên, ngược lại, lãi suất chiết khấu giảm, các NHTM có thể thoải mái cho vay với lãi suất thấp. Khi các NHTM áp dụng lãi suất cho vay thấp, các doanh nghiệp sẽ vay nhiều hơn để mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, trong ngắn hạn có thể sẽ giúp đồng nội tệ tăng giá. Tuy nhiên, trong dài hạn, cho vay nhiều đồng nghĩa với lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều lạm phát đồng tiền mất giá , ngược lại, lãi suất tăng thì sẽ giúp cho đồng nội tệ tăng giá trong dài hạn.
Lạm phát
Các bạn có thể hình dung về lạm phát như thế này: ngày hôm nay mua ổ bánh mì với giá 10 nghìn, nhưng qua ngày mai bạn sẽ phải mua nó với giá 15 nghìn. Biểu hiện của lạm phát chính là cùng một rổ hàng hóa nhưng bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để có được nó so với trước đó. Nguyên nhân là do lượng tiền lưu thông quá nhiều, đồng tiền trở nên mất giá. Ngược lại, nếu lượng tiền lưu thông ít đi, giá cả hàng hóa giảm xuống thì giá trị của đồng nội tệ sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giảm phát sẽ khiến cho đồng nội tệ mất giá bởi không có nhiều tiền lưu thông thì không đủ tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh, để giao dịch mua bán… không thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy, các quốc gia luôn mong muốn có một tỷ lệ lạm phát hợp lý và thực hiện các chính sách tiền tệ để duy trì được tỷ lệ lạm phát đó. Khi lạm phát của một quốc gia tăng cao, chính phủ và NHTW sẽ có biện pháp để điều chỉnh lạm phát về lại mức bình thường, các biện pháp này trong ngắn hạn sẽ giúp giá trị đồng nội tệ sẽ tăng lên.
GDP – Tổng sản phẩm quốc nội
Là chỉ số kinh tế quan trọng, đo lường tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Mặc dù khi GDP tăng chứng tỏ quốc gia sản xuất nhiều nhưng nếu mức tiêu thụ kém thì cũng không thể khẳng định nền kinh tế đang phát triển. Khi phân tích tác động của GDP đến sức khỏe nền kinh tế hay chính xác là tác động của chỉ số này đến giá trị đồng nội tệ, các nhà phân tích sẽ xem xét thêm những yếu tố khác để so sánh 2 đại lượng cung – cầu, từ đó mới đủ cơ sở kết luận.
Tỷ lệ thất nghiệp
Rõ ràng, tỷ lệ thất nghiệp và giá trị đồng nội tệ của một quốc gia có mối quan hệ nghịch chiều. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đồng nghĩa với nhiều lao động không có việc làm, nguyên nhân có thể do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp yếu kém, không mở rộng sản xuất, bị ngưng trệ… dẫn đến sức khỏe nền kinh tế yếu đi giá trị đồng nội tệ giảm. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chứng tỏ nhiều người lao động có việc làm hơn, doanh nghiệp sản xuất tốt, tăng quy mô, tăng lực lượng lao động… nền kinh tế phát triển tốt giá trị đồng nội tệ tăng.
Các yếu tố chính trị – xã hội
Các yếu tố chính trị – xã hội của một quốc gia bao gồm: luật lệ, bộ máy quản lý, xung đột sắc tộc, xung đột quân sự, biểu tình, đình công… tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng nhất định đến giá trị của đồng nội tệ.
Một quốc gia có bộ máy quản lý yếu kém chắc chắn là một quốc gia không thể phát triển tốt, hay một quốc gia liên tục có những cuộc biểu tình, xung đột quân sự, bạo động… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Nói tóm lại, một sự bất ổn trong bộ máy chính trị hay các sự kiện xã hội mang tính tiêu cực sẽ làm suy yếu giá trị đồng nội tệ.
Một sự kiện chính trị quan trọng mà các nhà đầu tư, nhà giao dịch quan tâm nhất và sự kiện này cũng tác động trực tiếp đến giá cả trên thị trường chứng khoán, tác động trực tiếp đến giá trị đồng nội tệ chính là kết quả bầu cử. Sự kiện này đặc biệt quan trọng, nhất là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, không chỉ ảnh hưởng bên trong Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Các ứng cử viên cho vị trí này sẽ liên tục tranh luận với nhau về những chính sách, yếu lược mà mình sẽ thực hiện nếu đăng cai cương vị tổng thống. Mỗi chính sách khác nhau sẽ tác động đến giá trị của đô la Mỹ theo nhiều hướng khác nhau. Và khi đã có kết quả bầu cử, toàn bộ nền kinh tế sẽ biến động theo chiều hướng phù hợp với các chính sách mà ứng cử viên đăng cai đã nêu ra trong các cuộc tranh luận của mình. Chính vì vậy, đây là yếu tố chính trị mà không một nhà đầu tư, nhà giao dịch nào bỏ qua.
So với các yếu tố kinh tế, thì yếu tố chính trị có mức độ tác động đến giá trị đồng nội tệ thường sẽ nhẹ hơn và nó mang tính quan trọng hơn trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, các nhà phân tích sẽ tập trung hơn vào các yếu tố kinh tế.
Các sự kiện bất ngờ
Bao gồm các yếu tố không thể dự báo và lường trước như thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần. Thông thường, khi các sự kiện bất ngờ mang tính tiêu cực như trên xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia, từ đó làm giảm giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các sự kiện này rất khó để phân tích và dự báo chiều hướng tác động nên các nhà phân tích thường bỏ qua hoặc chỉ nhìn nhận kết quả sau khi nó đã xảy ra rồi.
Nếu bạn đang băn khoăn lựa chọn kênh đầu tư nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu thì hãy liên hệ với chúng tôi – Phố Đầu Tư là cộng đồng số 1 Việt Nam về đào tạo, hỗ trợ đồng hành cùng các nhà đầu tư giao dịch chứng khoán, hàng hóa phái sinh thành công, gia tăng tài sản bền vững.
Phố đầu tư cung cấp giải pháp tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo online và offline chuyên nghiệp hàng tuần từ các chuyên gia hàng đầu với mục đích hỗ trợ nâng cao kiến thức, phân tích kỹ thuật thực chiến giúp các nhà đầu tư có thể làm chủ phương pháp giao dịch độc quyền của phố đầu tư mang lại lợi nhuận trong thị trường nghìn Tỷ. Chúng tôi có đầy đủ các giải pháp cho các nhà đầu tư bận rộn và các nhà đầu tư có thời gian.
Liên hệ Cố vấn Đầu tư:
- Số điện thoại: 090 440 8006
- Form đăng ký: Phố Đầu Tư